Liên hệ chúng tôi +84 (028) 3816-5456


TOP 7 NHẬN THỨC SAI LẦM TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH GOUT KHIẾN BỆNH CÀNG TRỞ NẶNG

Bệnh gout là một dạng viêm khớp gây ra hiện tượng sưng đỏ và đau ở các khớp. Cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, bệnh gout cũng đang ngày càng trở nên phổ biến, để lại những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Gout không phải là bệnh khó điều trị. Tuy nhiên, có rất nhiều người không tuân thủ chỉ định điều trị của Bác sĩ hoặc tự ý dùng thuốc gây hậu quả nghiêm trọng, khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn

Dưới đây là những hiểu lầm trong điều trị bệnh gout cần tránh.

1. Bệnh gout không nguy hiểm

Nhiều người bệnh cho rằng bệnh gout không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ là bệnh xương khớp thông thường, nên không tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ. Đây là một quan niệm không đúng, trên thực tế, bệnh sẽ có những đợt bùng phát khác nhau, một số người một vài năm mới bị một lần, trong khi những người khác lại gặp vài tháng một lần.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn và mật độ khớp bị ảnh hưởng có thể rộng hơn, nồng độ acid uric cao và không được điều trị trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề nguy hiểm về sức khỏe.

 

Theo một nghiên cứu cho thấy có khoảng 20% bệnh nhân gout bị sỏi thận do không lọc được hết tinh thể urat, từ đó chính tinh thể urat lắng đọng gây ra làm tắc nghẽn đường tiết niệu, gây viêm nhiễm đường tiết niệu.

Đối với người mắc bệnh gout lâu năm có thể có một hoặc nhiều hạt tophi xung quanh khớp bị ảnh hưởng. Hạt tophi này là tập hợp những tinh thể của hợp chất sodium urate monohydrate, kết tủa trong mô liên kết, tăng dần trong nhiều năm, lắng đọng tại các vị trí khớp xương và phần mềm quanh khớp. Chúng trông như các nốt sần nhỏ, căng phồng và phát triển ngay bên dưới da tại vị trí các khớp xương. Hạt tophi ở những vị trí dễ bị cọ xát như bàn chân, bàn tay, khuỷu hoặc bệnh nhân tự chọc vào hạt tophi của mình dẫn đến vỡ loét, chảy dịch ra tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng hạt tô phi dẫn đến viêm khớp, để lâu dẫn đến hỏng khớp. Ngoài ra, các biến chứng của bệnh có thể gây ra như tổn thương xương, khớp, suy thận, suy tim, …làm suy giảm tuổi thọ.

2. Chỉ nam giới tuổi trung niên mới mắc bệnh gout

Trong độ tuổi từ 30-60 thì tỷ lệ nam giới mắc bệnh gout là 90%, trong khi tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới chỉ khoảng 10%. Bác sĩ Brian F.Mandell (Bệnh viện Cleveland, Ohio, Mỹ) cho biết: “Hiếm khi thấy một phụ nữ tiền mãn kinh hoặc đang điều trị thay thế estrogen mắc bệnh gout. Trước tuổi 60 nếu họ mắc bệnh gout thì thường do các yếu tố nguy cơ khác, bao gồm dùng thuốc lợi tiểu và các vấn đề về thận.” Nhưng ở độ tuổi ngoài 50, tỷ lệ chênh lệch này bắt đầu thay đổi, theo chiều hướng tăng dần ở nữ giới. Tới tuổi ngoài 70 thì bệnh gout ở phụ nữ đã có tỷ lệ cân bằng với nam giới và sau tuổi 80 thì tỷ lệ chênh lệch đã nghiêng về nữ giới nhiều hơn. Chị em phụ nữ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh gout do một số nguyên nhân dưới đây:

• Suy giảm Estrogen

Đây là nội tiết tố nữ đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe chị em. Nó không chỉ duy trì ngoại hình và chức năng sinh lý mà còn giúp duy trì hoạt động của thận.

Nồng độ Estrogen suy giảm sẽ kéo theo chức năng thận cũng sẽ hoạt động kém đi. Từ đó không làm tròn nhiệm vụ ổn định lượng acid uric trong cơ thể. Làm gia tăng khả năng mắc bệnh gout. Nội tiết tố nữ này thường sẽ có xu hướng giảm mạnh trong thời kỳ tiền mãn kinh. Đây là lý do lý giải vì sao phụ nữ ở độ tuổi sau 45 thường dễ mắc bệnh gout hơn.

• Chế độ dinh dưỡng

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, phụ nữ nếu thường xuyên sử dụng rượu bia, đồ ăn nhanh hay thực phẩm giàu purin thì nguy cơ mắc bệnh gout cũng sẽ không kém nam giới.

Ăn uống thiếu lành mạnh sẽ làm tăng sinh purin và thúc đẩy cơ thể sản sinh nhiều acid uric hơn. Mặt khác nguồn thực phẩm như đồ ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ, rượu bia còn khiến cho hoạt động của thận bị cản trở. Từ đó kéo theo quá trình đào thải acid uric cũng bị trì trệ.

• Thừa cân, béo phì

Đây là nguyên nhân gây ra hàng loạt các vấn đề xấu cho sức khỏe, trong đó có bệnh gout ở phụ nữ. Bởi người béo phì thường mắc phải tình trạng rối loạn chuyển hóa. Ngoài ra, cơ thể quá khổ sẽ tạo nhiều áp lực lên khớp xương, làm cho xương suy yếu gây nên tình trạng khớp xương cũng dễ bị tổn thương hơn khi có các tác nhân tác động vào.

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên thì phụ nữ còn dễ mắc bệnh gout do nhiều yếu tố khác. Có thể là tuổi tác, suy giảm chức năng thận, di truyền, nhiễm độc chì…

3. Ăn nhiều đạm mới dẫn đến mắc bệnh gout

"Rất nhiều người bệnh gout kiêng các sản phẩm cung cấp đạm một cách tuyệt đối. Đây là quan niệm sai lầm”. Mặc dù gout là bệnh do rối loạn chuyển hoá liên quan đến Acid uric và liên quan nhiều đến chế độ ăn. Tuy nhiên, các thực phẩm chứa nhiều chất đạm chỉ là một trong các yếu tố nguy cơ, không phải là nguyên nhân chính gây bệnh gout mà bệnh còn liên quan đến các yếu tố di truyền và cơ địa, rối loạn quá trình tổng hợp purin,… làm cho purin nội sinh tăng và axit uric tăng.

 

4. Uống kháng sinh giúp điều trị bệnh gout

Khi nói đến bệnh gout, viêm khớp nhiều người cho rằng kháng sinh là thuốc có khả năng điều trị. Tuy nhiên, các kháng sinh thực tế không có tác dụng gì đến chuyển hóa của acid uric. Điều này chỉ làm giảm nhẹ triệu chứng và bệnh vẫn sẽ quay trở lại. Một số thuốc dùng để điều trị bệnh như: thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc ức chế sản sinh acid uric và thuốc tăng đào thải acid,… ở mức độ bệnh khác nhau bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp, bệnh nhân cần uống thuốc đều đặn, đúng giờ và đúng liều. Khi gặp vấn đề sử dụng thuốc cần báo ngay bác sĩ để có biện pháp phù hợp, không tự ý thay đổi đơn thuốc

5. Uống thuốc điều trị bệnh gout, thấy hết sưng đau là đã khỏi bệnh

Một số người bị bệnh gout cho rằng, khi đi khám và được bác sĩ kê đơn thuốc, nếu uống thuốc hết đau là đã khỏi bệnh. Ngoài ra, một số người lo sợ dùng nhiều thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ. Do đó, có người sẽ không dùng thuốc nữa, bắt đầu ăn uống thoải mái, không kiêng khem, khiến bệnh trở nên nặng hơn. Thực tế, gout là một căn bệnh mạn tính, kéo dài trong nhiều năm. Nếu người bệnh bị vài ba cơn gout mỗi năm hoặc bị thưa hơn, bác sĩ có thể dùng thuốc giảm nguy cơ biến chứng có liên quan với gout. Các thuốc này sẽ làm hạ acid uric – máu và giảm nguy cơ của gout. Theo khuyến cáo, khi nồng độ acid uric trở về bình thường thì người bệnh vẫn nên tiếp tục điều trị thêm 3-6 tháng để dự phòng tái phát cơn gout.

6. Áp dụng chế độ ăn kiêng triệt để sẽ không bị tái phát gout

Khi mắc bệnh gout người bệnh thường được nhắc là hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều chất đạm, purin… tuy nhiên do lo sợ bệnh tái phát nhiều người bệnh kiêng tuyệt đối, nhiều người chuyển sang chế độ ăn kiêng, ăn chay để bệnh không tái phát. Điều này cũng chưa khoa học, ở giai đoạn gout cấp thì cần kiêng tuyệt đối với các thực phẩm giàu đạm có gốc purin như: Hải sản, phủ tạng động vật như: lưỡi, lòng, tim, gan,.. và chỉ giảm bớt những thực phẩm giàu đạm khác trong khẩu phần ăn như: thịt lợn, thịt gà, thịt vịt...; cá và các loại thủy sản như: lươn, cua, ốc, ếch... 

Còn một số loại thực phẩm có hàm lượng các chất này rất thấp, vì vậy vẫn có thể dùng thường xuyên, cụ thể như: Các loại cá sông (cá chép, cá diêu hồng), cá đồng (cá rô), thịt trắng (ức gà),… có hàm lượng ít purin, vẫn có thể sử dụng để cung cấp chất đạm cần thiết cho cơ thể.

Khi mắc phải bệnh gout thì chế độ ăn uống là điều vô cùng quan trọng để có thể chung sống hòa bình và chiến đấu với căn bệnh này nhưng không nghĩa là cần kiêng khem triệt để dẫn tới cơ thế thiếu cân bằng dinh dưỡng.

7. Nhầm lẫn bệnh gout và bệnh giả gout

Bệnh gout và bệnh giả gout rất giống nhau, cả 2 đều gây đau đột ngột ở các khớp hoặc xuất hiện cùng với chấn thương nhỏ khi khuỷu tay, ngón chân hay đầu gối của bạn bị va đập vào vật gì đó. Cả 2 bệnh đều cùng triệu chứng như sau: Sưng tấy, cơn đau khớp đột ngột, dữ dội, nóng tại vị trí khớp bị đau và rất dễ chuẩn đoán nhầm với hội chứng viêm hoặc thoái hoá khớp. Tuy nhiên, nguyên nhân và cách điều trị của gout và giả gout hoàn toàn khác nhau.

 

Bệnh gout hình thành do sự lắng đọng tinh thể Urat tại các khớp, có liên quan tới chế độ ăn chứa nhiều purin. Cơn đau cấp thường khởi phát từ ngón chân cái, đau dữ dội trong 12 - 24 giờ và có hạt tophi. Trong khi bệnh giả gout do sự lắng đọng Calci tại các khớp, gây sưng đau tại gối và đau âm ỉ trong nhiều ngày. Căn bệnh này không liên quan tới chế độ ăn,  không xuất hiện các hạt tophi và các chế độ ăn giàu đạm. 

Theo nghiên cứu có khoảng 25% những người bị bệnh giả gout có triệu chứng lâm sàng giống hệt bệnh gout. Khoảng 5% bệnh nhân phát triển các triệu chứng gần giống với viêm khớp dạng thấp, trong khi khoảng 50% bệnh nhân bị giả gout phát triển các triệu chứng giống như viêm khớp mạn tính. Chính vì vậy, nhiều người hay nhầm lẫn giữa bệnh gout và giả gout. Khi có các biểu hiện đau ở khớp cần đến cơ sở để được chẩn đoán không tự ý điều trị tránh nguy hại tới sức khỏe.

8.Cần lưu ý những gì cho người bị bệnh gout?

Nhận diện được những sai lầm điều trị bệnh gout sẽ giúp người bệnh tránh mắc phải, giảm thiểu khả năng xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên thực hiện theo lời khuyên sau đây:

  • Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân lành mạnh nếu bạn đang bị thừa cân.

  • Nên bổ sung vào thực đơn: trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt.

  • Uống nhiều nước.

  • Hạn chế thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật.

  • Kiêng bia, rượu, chất kích thích.

  • Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, xét nghiệm định kỳ: công thức máu, đường, lipid, acid uric máu, chức năng gan thận siêu âm hệ niệu,…

  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn.

  •