Liên hệ chúng tôi +84 (028) 3816-5456


NAM GIỚI MẮC BỆNH GOUT NGÀY CÀNG NHIỀU, VÌ MỘT LÝ DO TƯỞNG ĐƠN GIẢN

Gout là một loại bệnh lý phổ biến về xương khớp. Hay gặp ở các quý ông thành đạt, thích la cà ở bàn nhậu. Tuy không phải là bệnh nan y khó chữa nhưng điều khiến việc chữa bệnh gout trở nên khó khăn lại do chính thói quen ăn uống hằng ngày gây ra.

1.Biểu hiện và các triệu chứng của bệnh gout

1.1 Biểu hiện

Bệnh gout đã được coi là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purine ở người, làm tăng tổng hợp acid uric và/hoặc giảm thải acid uric ra ngoài, gây tăng acid uric trong máu.

Người bị bệnh gout có biểu hiện đầu tiên là thường đau ở ngón tay (ngón cái), xuất hiện các tophi (u cục) ở khớp, quanh khớp, ở vành tai. Khởi bệnh đột ngột bằng một cơn viêm khớp cấp với tính chất: sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội, đột ngột ở một khớp làm người bệnh rất đau đớn, không thể đi lại được. Bệnh diễn biến từng đợt, giữa các cơn viêm cấp có những giai đoạn các khớp hoàn toàn hết đau, người bệnh tưởng mình khỏi bệnh.

 

 

1.2 Triệu chứng

Giai đoạn đầu, một số người được ghi nhận nồng độ acid uric trong máu tăng nhưng không xuất hiện triệu chứng được gọi là tăng acid uric máu. Theo thời gian, khi nồng độ này tăng cao không hạ dẫn đến sự tích tụ các tinh thể urat gây ra các cơn đau khớp, bệnh thường xảy ra đột ngột, các cơn đau âm ỉ đến dữ dội và thường xuất hiện vào ban đêm. Có thể nhận biết bạn đang mắc bệnh thông qua các dấu hiệu sau:

(Hình ảnh đau nhức khớp ngón tay khi bị bệnh gút)

-Thể lâm sàng

• Đau khớp dữ dội: Triệu chứng đau xảy ra phần lớn ở khớp ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay và khuỷu tay. Các khớp ở háng, vai và vùng chậu thì tần suất xảy ra ít hơn. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng 4 đến 12 giờ đầu tiên sau khi bắt đầu.

• Đau âm ỉ, kéo dài: Sau cơn đau dữ dội của đợt cấp, bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau âm ỉ trong thời gian sau đó, cơn đau có thể vài ngày hoặc vài tuần, tần suất lần sau sẽ đau và kéo dài hơn lần trước.

• Viêm và tấy đỏ: Các khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng, mềm, nóng và đỏ.

• Giới hạn phạm vi hoạt động khớp: Khi bệnh gút tiến triển, bạn có thể không thể cử động khớp bình thường.

-Thể mạn tính

Do không được điều trị nên việc tăng acid uric kéo dài gây lắng đọng ở các cơ quan tổ chức gây nổi các u cục ( hạt tophi; viêm khớp mạn tính dần gây biến dạng khớp, sỏi tiết niệu, viêm thận kẽ, suy thận, tăng huyết áp; viêm gân, viêm túi thanh dịch…). Xét nghiệm axid uric máu bao giờ cũng tăng, có tổn thương xương khớp trên hình ảnh XQ.

2.Những thói quen ăn uống khiến bệnh gout phát triển và cách hạn chế bệnh

Một trong những nguyên nhân trực tiếp gây bệnh gout là acid uric, vậy nên những người ăn nhiều thức ăn giàu purine sẽ làm tăng thêm tình trạng tăng acid uric máu sẵn có, thúc đẩy họ trở thành bệnh nhân gout, làm nhanh tái phát các cơn gout, khó kiểm soát bệnh và sớm trở thành gout mạn.

 

Những bệnh nhân bị béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu dễ bị gout và ngược lại bệnh nhân gout rất dễ bị mắc 4 bệnh trên.

Theo nghiên cứu, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới mắc bệnh gout là do chế độ ăn uống sai lầm:

- Uống quá nhiều rượu bia góp phần làm tăng thêm acid uric máu, làm cho acid uric dễ dàng bị lắng đọng tại tổ chức, gây cơn gout cấp, gây sỏi thận.

- Ăn nhiều phủ tạng động vật, thực phẩm có chứa nhiều protein, các loại thịt có màu đỏ, các loại hải sản, nấm, giá, bạc hà (dọc mùng)… Những thực phẩm này sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể. Bệnh nhân gút có tầm vóc trung bình 50 kg không nên ăn quá 100g thực phẩm giàu đạm mỗi ngày.

Một chế độ ăn hợp lý sẽ cải thiện rất nhiều trong quá trình điều trị và phòng ngừa bệnh. Những thực phẩm người bệnh cần dùng là: các thực phẩm, rau xanh giàu chất xơ như dưa chuột, rau cần, cải xanh, cải bắp, khoai tây, bí đỏ, lê, táo nho… Uống nhiều nước, nước khoáng có bicarbonate, nước sắc lá xakê; Các loại ngũ cốc.

Ngoài ra, bệnh nhân gout cần có một chế độ sinh hoạt, rèn luyện thân thể một cách khoa học. Tránh làm những việc nặng, gắng sức; tránh bị lạnh đột ngột; tránh bị stress.