Liên hệ chúng tôi +84 (028) 3816-5456


HỘI CHỨNG TIỀN ĐÌNH VÀ NHỮNG RẮC RỐI XUNG QUANH NÓ

Hội chứng tiền đình là một hội chứng phổ biến đặc biệt ở người trung niên, cao tuổi. Nó bao gồm các biểu hiện thường gặp như cảm giác chóng mặt, xoay tròn, mất thăng bằng,… và bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Hội chứng tiền đình không những gây ra khó khăn trong sinh hoạt, mà còn làm tăng nguy cơ té ngã dẫn đến những chấn thương không mong muốn. Vậy hội chứng tiền đình là gì, làm thế nào để kiểm soát được các triệu chứng của nó? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm thông tin hữu ích cho bạn và người thân. 

1. Định nghĩa về hội chứng tiền đình

Hệ thống tiền đình bao gồm các bộ phận của tai trong thuộc hệ thần kinh, dây thần kinh số VIII (là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ não, nằm ở góc cầu tiểu não, đảm nhiệm 2 chức năng thính giác và cảm giác thăng bằng) và não bộ (xử lý thông tin cảnh giác liên quan đến việc kiểm soát sự cân bằng, chuyển động của mắt và cơ thể). Bất kỳ bệnh lý hoặc chấn thương làm tổn thương các thành phần nêu trên đều gây ra hội chứng tiền đình. 

Hội chứng tiền đình có 2 loại đó là hội chứng tiền đình trung ương và hội chứng tiền đình ngoại biên được phân biệt hai dạng này sẽ dựa vào vị trí giải phẫu:

1.1 Hội chứng tiền đình trung ương:

Chiếm tỷ lệ ít hơn khoảng 5-10% trong số các bệnh nhân bị rối loạn tiền đình. Nguyên nhân là do: Thiểu năng tuần hoàn não, xơ vữa động mạch, hạ huyết áp, thoái hoá cột sống cổ, mạch máu đến não bị chèn ép, tổn thương nhân tiền đình và nguyên nhân quan trọng nhất phải kể đến là xơ vữa động mạch,… . Hội chứng này thường xảy ra khi các đường dẫn truyền tiền đình đi tới nhân tiền đình tại thân não và tiểu não bị tổn thương. Khi thay đổi tư thế hoặc là di chuyển, người bệnh dễ bị choáng váng, chóng mặt nhất là vào buổi đêm và sáng. 

 

 

1.2 Hội chứng tiền đình ngoại biên:

Rối loạn tiền đình ngoại biên rất thường gặp, chiếm hơn 90% người mắc bệnh rối loạn tiền đình. Biểu hiện đặc trưng của rối loạn tiền đình ngoại biên là chóng mặt khi thay đổi tư thế. Bệnh nhân có cảm giác bị dịch chuyển, mọi vật xung quanh xoay tròn hoặc chính bệnh nhân xoay tròn so với những vật xung quanh. Đây là căn bệnh lành tính, nhẹ, triệu chứng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn.

2. Tại sao lại bị rối loạn tiền đình?

Điểm danh một số nguyên nhân gây rối loạn tiền đình thường gặp trong cuộc sống như:

2.1  Rối loạn tuần hoàn máu như: Tắc động mạnh tiền đình, rối loạn tuần hoàn máu não, co thắt động mạch cột sống ảnh hưởng đến tai trong hoặc não

2.2  Chấn thương vùng đầu

2.3  Viêm tai giữa do nhiễm virus hoặc vi khuẩn ở tai

2.4  Bệnh xảy ra cũng có thể do các yếu tố di truyền và môi trường sống như tiếng ồn, stress, áp lực công việc,…

2.5  Tuổi tác cũng là một trong những tác nhân dẫn tới hội chứng tiền đình. Những người tuổi cao, có các bệnh lý nền kèm theo cần được chú ý theo dõi.

3. Một số biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân mắc hội chứng tiền đình

Hội chứng tiền đình có thể xảy ra với những biểu hiện khác nhau và phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh:

  • Triệu chứng rầm rộ nhất ở bệnh nhân rối loạn tiền đình ngoại biên là chóng mặt, đầu óc quay cuồng: Thường thì khi có biểu hiện người bệnh sẽ bắt đầu nhận thấy sự vật xung quanh có cảm giác chao đảo, quay tròn khiến mình khó chịu, nhiều khi còn buồn nôn, sợ ngã hoặc vã mồ hôi nên muốn tìm cách ngồi xuống và nghỉ ngơi.

  • Với người mắc rối loạn tiền đình trung ương thường đi đứng khó khăn dáng đi như người say rượu, chóng mặt kèm theo nôn mửa, giảm thính lực, khó phối hợp các động tác…

  • Triệu chứng rung giật nhãn cầu (hay còn gọi là nystagmus)

  • Hai  nhãn cầu tự động chuyển động liên tục và đều đặn, không do chủ ý của cơ thể, xảy ra ở cả một hoặc hai bên mắt

  • Rối loạn thăng bằng

Rối loạn thăng bằng là hiện tượng quá trình xử lý thông tin từ não bộ đến các cơ quan có chức năng giữ thăng bằng bị gián đoạn. Từ đó làm người bệnh đi đứng loạng choạng, đầu óc quay cuồng, chóng mặt, cảm giác như say rượu, không cảm nhận được phương hướng gây té ngã về một phía. Nếu bị nặng, nhiều bệnh nhân còn không thể đứng được. Rối loạn thăng bằng rất nguy hiểm khi bệnh nhân đang điều khiển phương tiện giao thông.

Bên cạnh đó, phụ thuộc vào vị trí tổn thương của tiền đình, người bệnh có thể gặp những biểu hiện khác như điếc, ù tai, rối loạn nuốt, liệt nửa người,…

 

4. Các xét nghiệm và phương pháp để chuẩn đoán hội chứng tiền đình?

Xét nghiệm là một trong những hình thức cần thiết để phối kết hợp với phương pháp khác nhằm xác định bệnh nhân có bị mắc hội chứng tiền đình hay không:

  • Xét nghiệm chẩn đoán khả năng mắc đái tháo đường, kiểm tra chức năng gan, thận, nồng độ lipid trong máu,...

  • Chụp CT-Scanner sọ não, MRI sọ não tìm các tổn thương như: U góc cầu tiểu não, TBMM não…

  • Tiến hành chụp X-quang khu vực đốt sống cổ.

  • Ghi biểu đồ điện mức độ rung giật của nhãn cầu hoặc điện thế khơi gợi chức năng thính giác.

  • Xác định vị trí tắc mạch máu, các mảng xơ vữa của động mạch bằng biện pháp siêu âm Doppler màu đốt sống và động mạch cảnh.

5. Điều trị kết hợp nghỉ ngơi ở người bị hội chứng tiền đình

Các phương pháp điều trị rối loạn tiền đình hiện nay chủ yếu là điều trị nội khoa và thay đổi lối sống. Việc điều trị rối loạn tiền đình còn tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây nên để áp dụng những phương pháp điều trị khác nhau. Bệnh nhân cần tuân thủ hoàn toàn theo các chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc. Ngoài ra, người bệnh cũng cần Bác sĩ tư vấn về lối sống và chế độ dinh dưỡng phù hợp để hạn chế tối đa nguy cơ bị rối loạn tiền đình và hạn chế nguy cơ tái phát.

Khi có dấu hiệu chóng mặt, cảm giác đầu óc quay cần được xử trí ngay tại chỗ để tránh việc người bệnh bị tai nạn do ảnh hưởng của biểu hiện này gây nên. Lúc này bệnh nhân cần được ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi một cách từ từ, tại nơi yên tĩnh, tránh ồn ào và ánh sáng mạnh, kết hợp sử dụng thuốc để triệu chứng thuyên giảm. 

Nhằm giúp cho hội chứng tiền đình không tái quay lại, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, phối hợp các bài tập vận động nhẹ nhàng, vật lý trị liệu. Sở dĩ bệnh nhân cần làm vậy là để cơ thể vận động linh hoạt hơn, hệ thần kinh trung ương được củng cố và lấy lại chức năng giữ thăng bằng cho tiền đình. Chế độ ăn uống và dinh dưỡng khoa học, hạn chế những lo âu, căng thẳng, tránh thức khuya và ngủ đủ giấc,… chuyên chú và kiên trì điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ giúp bệnh sẽ thuyên giảm đáng kể và có cơ hội được phục hồi sức khoẻ nhanh chóng hơn.