Liên hệ chúng tôi +84 (028) 3816-5456


CẢI THIỆN CHỨNG TIÊU CHẢY HẬU COVID-19 BẰNG CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG HỢP LÝ?

1.Nguyên nhân gây tiêu chảy ở người mắc Covid-19

Tiêu chảy là một trong những triệu chứng của người bệnh mắc COVID-19 do virus làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Ngoài ra, người bệnh có thêm triệu chứng buồn nôn và kém ăn hơn trước. Một số nguyên nhân điển hình như:

- Khi bệnh nhân bị Covid-19, hệ tiêu hoá sẽ bị ảnh hưởng do virus gắn kết ACE2, dùng ACE2 làm trung gian lây nhiễm SARS-CoV-2. Điều này khiến cơ thể giảm hấp thu các acid amin có lợi, từ đó làm giảm hàng rào kháng khuẩn của đường tiêu hóa, dẫn đến loạn khuẩn đường tiêu hóa. Khi này, bệnh nhân vì quá lo lắng, tập trung bồi bổ sức khoẻ, bổ sung dư thừa các chất dinh dưỡng hay khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hoá ngay.

- Một số trường hợp là do uống quá nhiều thuốc diệt virus dẫn đến tiêu chảy. 

- Tiêu chảy do virus đi đến đường tiêu hoá gây kích thích hệ tiêu hoá, kích thích cơ thể đi ngoài nhiều lần để đào thải virus ra ngoài. Một số trường hợp virus vẫn xuất hiện ở đường tiêu hoá mặc dù đã test dịch mũi họng âm tính. Điều này củng là nguyên nhân làm cho bạn bị tiêu chảy kéo dài sau khi đã khỏi bệnh.

 

Khi có dấu hiệu bị tiêu chảy, người bệnh nên tham khảo tư vấn của bác sĩ về việc dùng thuốc. Nếu bị tiêu chảy dưới 3 lần/ngày, cần uống nhiều nước, bù điện giải, ăn uống hợp lý sẽ nhanh khỏi.

Trong trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy nhiều lần hơn trong ngày hoặc phân có dịch nhầy hay máu cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị phù hợp.

2. Tiêu chảy hậu COVID-19 nên ăn gì cho nhanh khỏi?

Khi bị tiêu chảy, hệ tiêu hoá của con người rất nhạy cảm và rất khó để hấp thụ những loại thực phẩm khó tiêu. Cần ưu tiên các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hoá, dễ hấp thu để cung cấp đủ năng lượng và nhanh phục hồi hệ tiêu hoá

2.1. Thực phẩm người bị tiêu chảy nên dùng

- Táo: Trong táo chứa một lượng lớn chất xơ hoà tan pectin rất dễ tiêu hoá, hơn nữa táo còn giúp cơ thể bổ sung 1 lượng đường. Dùng 2-3 quả táo mỗi ngày để giảm tình trạng tiêu chảy

- Chuối: Trong chuối chứa lượng kali lớn. Khi tiêu chảy, cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải, kali đóng vai trò là chất điện giải rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất, thúc đẩy hoạt động và giúp hệ tiêu hoá ổn định.

- Người bệnh nên ăn những thực phẩm giàu tinh bột như: Gạo, khoai tây, bánh mì. Tinh bột giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể, đồng thời làm chậm quá trình tiêu hoá của dạ dày. Tinh bột cũng chứa lượng chất xơ thấp vì vậy hệ tiêu hoá không phải hoạt động quá nhiều.

- Sữa chua: Sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn Probiotic giúp bao tử dễ chịu, tiêu diệt các vi khuẩn gây hại

- Một vài loại trà cũng được bác sĩ khuyên dùng như trà hoa cúc, trà vỏ cam,… hàm lượng tannin có trong trà hoa cúc sẽ làm giảm co thắt ruột, điều trị tốt tiêu chảy, viêm đường ruột. Trà vỏ cam cũng được cho là có tác dụng làm sạch khuẩn trong dạ dày, thích hợp cho người bị tiêu chảy

Những món ăn này bổ sung dinh dưỡng, dễ hấp thu, bù nước cho cơ thể và cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp người bệnh tiêu chảy nhanh hồi phục.

 

2.2. Người bị tiêu chảy nên uống nước gì?

Bên cạnh việc tìm hiểu nên ăn gì thì bổ sung nước là điều rất cần thiết. Người bị tiêu chảy có nguy cơ bị mất nước và chất điện giải sau mỗi lần đi ngoài. Khi cơ thể bị mất nước quá nhiều mà không được bổ sung kịp thời có thể dẫn tới suy kiệt, rối loạn điện giải rất nguy hiểm

Ngoài ra, có thể sử dụng nước gạo rang, nước cơm, nước cháo muối, cháo đường, nước cà rốt… rất tốt để bù nước và chất điện giải.

2.3. Những thực phẩm cần hạn chế khi bị tiêu chảy

- Những thực phẩm chưa nấu chín kỹ, thực phẩm không an toàn hay rau sống ví dụ như tiết canh, gỏi, nem chua, đồ ăn tái sống,… chứa rất nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng. Người bệnh tuyệt đối không nên ăn, tránh làm tình trạng đi ngoài thêm nặng

- Các loại thực phẩm chứa nhiều đường: Bánh kẹo, bánh kem, mứt,… chứa rất nhiều chất ngọt nhân tạo, sử dụng các thực phẩm này làm tăng nồng độ insulin trong máu, làm nghiêm trọng thêm tình trạng tiêu chảy

- Thực phẩm chứa nhiều chất xơ gây đầy hơi: Các loại rau như bắp cải, giá đỗ, măng,… chứa nhiều chất xơ gây đầy hơi

- Đồ ăn chứa nhiều chất béo: Các đồ ăn chiên xào chứa rất nhiều chất béo làm tăng tình trạng co thắt ruột, khiến tình trạng đi ngoài nặng thêm.

 

- Đồ ăn cay nóng: Làm kích thích niêm mạc dạ dày và đường ruột, làm tiêu chảy nặng hơn

- Bia, rượu, nước có gas: Có chứa chất kích thích carbohydrate cao, làm lên men trong ruột gây đầy hơi, đi ngoài. Người bệnh nên tránh các loại đồ uống này cho đến khi tình trạng bệnh ổn định.

3. Có nên bổ sung thực phẩm giàu kẽm khi bị tiêu chảy?

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, ngoài khả năng tăng cường miễn dịch, kẽm sẽ giúp giảm thời gian tiêu chảy và thúc đẩy sự hồi phục của đường ruột cải thiện tình trạng tiêu chảy. Kẽm có thể hỗ trợ kiểm soát tình trạng tiêu chảy do cả vi khuẩn và virus.

Thiếu kẽm có thể khiến hệ miễn dịch sẽ bị suy yếu, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hoá làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hoá. Do đó, việc bổ sung kẽm với liều lượng phù hợp được xem là một điều cần thiết trong phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy.

Kẽm cũng giúp tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ biếng ăn sau tiêu chảy, giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng dinh dưỡng.

Để bổ sung kẽm, tốt nhất người bệnh cần chú ý ăn những thực phẩm chứa nhiều kẽm như: Sò, hàu, đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu Lima, đậu ván và đậu tây, thịt bò, cừu, gia cầm, cá, trứng cá. Các loại quả hạt (hạnh nhân, hạt điều, óc chó, quả hồ đào; hạt bí, hạt mè và hạt hướng dương)

Tuy nhiên, nếu bổ sung kẽm dạng thuốc, cần có sự tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý dùng.